Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với nỗ lực vượt bậc, nam sinh Trần Quốc Khánh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với số điểm nằm trong top sinh viên điểm cao của trường. Nhưng chặng đường phía trước của Khánh còn rất nhiều khó khăn để em tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Lấy khốn khó làm động lực

Sinh ra trong một gia đình không mấy trọn vẹn, em Trần Quốc Khánh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) thiếu vắng tình thương của cha khi chỉ mới học hết mẫu giáo. Từ đó, mọi gánh nặng trong gia đình là mẹ lo hết. Hai mẹ con nương tựa nhau, sống nhờ trong căn nhà nhỏ trên miếng đất của ông bà ngoại.

 Em Trần Quốc Khánh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cùng người mẹ thân thương. Ảnh: NVCC.
Khánh kể lại, hàng ngày em với mẹ bán hàng rong để kiếm sống. Ban đầu bán ở bến xe Bạc Liêu, nhưng sau bị đuổi nên xin bán nhờ ở khoảng đất trống kế bên quán hủ tiếu, rồi có người thương tình đã đóng cho hai mẹ con một chiếc xe ba gác để đẩy đồ đi bán.

Bất kể mưa hay nắng, sáng nào, Khánh cũng thức sớm phụ mẹ xếp đồ vào rồi đẩy xe ra góc đường bán, tới trưa lại phụ mẹ dọn đồ về. Trên xe chỉ có vài chục trứng gà, trứng vịt, mấy mớ rau vườn, vài nải chuối xiêm, mấy trái mướp, đu đủ,… ấy vậy mà đã cưu mang gia đình nhỏ này suốt mười mấy năm qua.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấu hiểu sự hy sinh vất vả thầm lặng của mẹ, Khánh đã cố gắng học tập, suốt 12 năm đèn sách luôn đạt thành tích xuất sắc toàn diện, nằm trong tốp đầu của lớp, của trường. Điểm trung bình 3 năm THPT của em là 9,2 điểm; là học sinh chuyên Anh và từng đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi môn Lịch Sử cấp tỉnh.
Căn nhà ở nhờ của mẹ con Trần Quốc Khánh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: NVCC.
Đặc biệt, với nỗ lực vượt bậc, Khánh đã thi đậu vào đại học với số điểm nằm trong top sinh viên điểm cao (25,65 điểm), trở thành tân sinh viên ngành Dược Học – K48, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

“Niềm vui là vậy, nhưng ngày em đậu đại học cũng là bắt đầu những nỗi lo lớn của em và mẹ. Trong khi bạn bè mở tiệc ăn mừng vì đã chạm tay tới ước mơ, riêng em chỉ biết thu mình lại một góc mà đắn đo xem có nên học tiếp hay dừng lại, bởi chặng đường phía trước còn lắm khó khăn, khoản học phí là số tiền vượt khả năng của gia đình em…”, Khánh chia sẻ.

Điểm tựa nào cho em?

Dù đã chạm tay tới ước mơ nơi giảng đường đại học, nhưng khoản học phí cho ngành học của em khá cao, tổng năm nhất hết 44 triệu đồng, gồm 2 học kỳ chính và 1 học kỳ quân sự; riêng học phí của học kì I là hơn 17 triệu đồng.
 Trần Quốc Khánh với chiếc áo blouse trắng đến trường. Ảnh: Yến Phương.
Khánh chia sẻ, để cho em có thể bước tiếp đoạn đường đại học, mẹ đã phải lấy những món đồ quý dành dụm từ lâu mang đi cầm, rồi vay mượn thêm của người thân và nhờ sự giúp đỡ của mạnh thường quân mới đủ tiền để đóng học phí cho học kỳ đầu của em.

“Từ ngày em vào đại học, mọi chi phí tăng lên, ngoài gắn bó với xe hàng rong mẹ em đã phải lấy thêm vé số về bán để đỡ đần phần nào.

Các cô chú dưới quê cũng thương tình nên thường mua ủng hộ mẹ. Cuối tuần nào rảnh, em cũng tranh thủ về quê phụ mẹ vừa bán hàng vừa bán vé số”, Khánh nói.

Bà Nguyễn Hồng Nhẫn (mẹ của Trần Quốc Khánh) thổ lộ, khi biết tin con mình đậu đại học, bà mừng lắm. Nhưng thấy con cứ lo lắng quá, bà cũng phải an ủi và khuyên con nhiều, ráng học thành tài để sau này ra trường giúp đỡ ngược lại những người có hoàn cảnh khó khăn như mình bây giờ, bởi cứ lo lắng hoài thì sẽ ốm yếu không có sức để học.
Thầy Nguyễn Phục Hưng (Trưởng Bộ môn Quản lý Dược – Khoa Dược – Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) hỗ trợThầy Nguyễn Phục Hưng hỗ trợ Trần Quốc Khánh trong việc học tập. Ảnh: Yến Phương.
Theo thầy Nguyễn Phục Hưng (Trưởng Bộ môn Quản lý Dược – Khoa Dược – Trường Đại học Y Dược Cần Thơ), quá trình nỗ lực và ý chí vươn lên của Khánh đã làm cho các thầy cô, bạn bè phải xót xa và đồng cảm. Đây cũng chính là tấm gương cho các bạn học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn cố gắng học tập noi theo. Để đồng hành cùng em trong giai đoạn khó khăn này, những gì có thể làm trong khả năng thầy sẽ hỗ trợ và giúp đỡ em hết mình.

Chặng đường phía trước còn lắm chông chênh, dù rằng Khánh đã lên kế hoạch sống tiết kiệm, mượn tài liệu từ các anh chị khóa trên, săn học bổng, đi làm thêm… để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng với tình cảnh này chẳng biết Khánh sẽ “trụ” được đến bao lâu trên hành trình thực hiện ước mơ của mình.