Gia đình chồng rất yêu thương nàng dâu Việt và xem như con gái trong nhà. Mỗi năm chị Hà sẽ về quê một lần, bố mẹ chị cũng rất yêu quý chàng rể Nhật.

Chắc hẳn chị em cũng từng nghe qua lời khuyên là trong hôn nhân thì tốt nhất là ai ở đâu lấy chồng/vợ ở đó. Vốn dĩ nói vậy là bởi người cùng vùng miền hoặc cùng địa phương sẽ có văn hóa, cách sinh hoạt, cư xử giống nhau nên khi kết hôn sẽ chung sống lâu bền, không sợ bất đồng. Ngược lại, chỉ cần khác nhau vì giọng nói, cách cư xử cũng đủ lớn chuyện.

Nay có dịp lại xem chương trình Vợ chồng son, tập có cô nàng Thu Hà (quê Hà Tĩnh) kết hôn với người chồng Nhật mà thấy rất ngưỡng mộ nên quyết định chia sẻ với mọi người. Chồng của Hà là anh Ichinari, cả hai gặp nhau khi họ làm chung công ty tại Nhật. Họ cảm mến và yêu nhau, tiếng Nhật của Hà lúc đó vẫn chưa thạo lắm.

Ảnh chụp màn hình, Mẹ chồng nàng dâu

Ở quê, Hà thường nghe người ta nói là chồng Nhật nề nếp lắm, thế nhưng sau này quen và lấy chồng, Hà mới nhận ra là không có quá nhiều khác biệt. Ngày về ra mắt gia đình chồng, do chưa thạo tiếng Nhật nên Hà có nhiều lo lắng. Nhưng chính thái độ vui vẻ hòa nhã và tốt bụng của bố mẹ chồng tương lai, Hà thấy an tâm.

Không biết đối với chị em như thế nào, nhưng đối với tôi thì may mắn của người phụ nữ có lẽ lúc nhỏ là được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, lớn lên gặp chồng và nhà chồng tốt. Thu Hà có được điều đó sau khi kết hôn với chàng Nhật. Kể về hành trình làm dâu hay nói đúng hơn là làm con gái của bố mẹ chồng, nhiều chị em phải ganh tị với Hà.

Thu Hà kể, hồi đầu mới tìm hiểu ba má chồng biết cô ở trọ tốn kém nên mở lời đưa cô về sống chung. Bà rất tâm lý khi sắp xếp cho Hà phòng riêng: “Giờ tiền nhà đắt đỏ con cứ về ở chung với mẹ, con yên tâm, mỗi người một phòng”, mẹ chồng Hà nói.

Sau khi cưới nhau, Hà sống chung với bố mẹ chồng nhưng cô thấy không có gì khó khăn, trái lại còn thấy gần gũi dễ chịu. Bố chồng của Hà thường xuyên vào bếp nấu ăn cho cả gia đình, ông còn chuẩn bị mâm cơm riêng vì cả nhà không ăn được nước mắm. Nói về bố chồng, Hà không thể giấu giếm sự tự hào khi được làm con dâu của ông:

“Bố chồng cứ bảo việc nhà để bố làm cho, cơm thì mỗi ngày đổi một món để mình ăn cho ngon miệng. Bố hay hỏi mình ăn được không để rút kinh nghiệm, cái gì mình ăn được thì bố sẽ lưu lại, cái gì mình ăn không được bố sẽ né luôn”, chị Hà tâm sự.

Gia đình luôn kết và hạnh phúc. Ảnh chụp màn hình, Mẹ chồng nàng dâu

Bố mẹ chồng luôn là người kề bên chia sẻ, động viên và truyền tải kinh nghiệm cho con dâu trong lúc mang thai. Mỗi ngày sợ con đi làm vất vả, bố chồng sẽ dùng xe hơi đưa đón, mẹ chồng giặt giũ nấu cơm làm hết mọi việc. Sau này khi cháu chào đời, ông bà một tay săn sóc, lo toan hết sức chu đáo.

Bố mẹ chồng tuyệt vời như vậy, chị còn thấy mình may mắn quá nhiều khi chồng không ngại vào bếp rửa chén, đỡ đần vợ mọi việc lớn nhỏ và cực tâm lý, chưa bao giờ cãi vã.

Vợ chồng Hà chụp hình cùng bố mẹ ruột. Ảnh chụp màn hình, Mẹ chồng nàng dâu

Gia đình chị Hà mừng cho con gái có được hạnh phúc viên mãn. Mỗi lần vợ chồng con về chơi, họ gói ghém cho con bao nhiêu là món đặc sản, có khi chàng rể Nhật ăn không quen nhưng rất trân quý tấm lòng cha mẹ vợ. Hai anh chị đã có đứa con thứ 2, gia đình càng thêm rộn ràng vui vẻ và không bao giờ thiếu đi tiếng cười.

Người ta hay nói là phụ nữ lấy chồng giống như canh bạc, không thể biết trước hên xui. Trong đám cưới người ta hay chúc nhau trăm năm hạnh phúc, nhưng cưới về rồi mới biết có hạnh phúc thật hay không. Lấy chồng cùng quê, cùng xóm đôi khi còn không bền chứ nói chi lấy tận nước ngoài, khác quốc tịch, khác văn hóa, khác ngôn ngữ,…

Một cô gái Việt làm dâu xứ lạ trong trường hợp của chị Hà, có thể nói là người vô cùng may mắn. Nghe chị kể về nhà chồng, thấy chị ngồi quây quần bên cả gia đình để tham gia chương trình Vợ chồng son mới thấy chị là người phụ nữ hạnh phúc đến mức nào.

Phụ nữ dù thành công ngoài xã hội đến mấy cũng chỉ mong gia đình hạnh phúc thế này  thôi, đạt được là quá viên mãn.

Nguồn: webgiaitri.vn