Thay vì lựa chọn cuộc sống như nhiều người khác, cô gái Việt 33 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học danh giá, có học bổng du học thạc sĩ lại chọn sống đời du mục tự do tự tại ở Nepal. 

Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 ở TP.HCM), Nguyễn Thị Yến xin vào làm thông dịch viên cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam của tổ chức động vật châu Á Animals Asia, đặt ở Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Thay vì trở thành nhân viên văn phòng cho các công ty, tập đoàn danh giá, nữ cử nhân ngành Kinh tế đối ngoại lại làm công việc gần gũi với thiên nhiên, lại đóng góp vào việc bảo tồn động vật.

Sau này, Yến nhận được học bổng sang Cộng hòa Ireland học thạc sĩ. Trước đó, vào đầu năm 2016, cô đã có dịp qua Nepal và được ngắm tuyết. Sau chuyến đi, cô biết mình đã yêu vùng đất này vì thiên nhiên trong lành, con người thân thiện, hiền lành.

“Dù mới đặt chân đến lần đầu nhưng không hiểu sao, tôi cảm thấy đây chính là nơi mà mình thuộc về và cảm thấy thoải mái, tự nhiên như đang ở nhà”, cô nàng 33 tuổi bộc bạch.

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Để thỏa niềm yêu thích, Yến đã đến sinh sống ở Nepal trong 2 tháng trước khi đến Ireland du học. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Yến được một công ty khởi nghiệp gửi lời mời về làm việc. Cô được hứa hẹn sẽ nhận nhiều đãi ngộ nhưng lại chần chừ.

“Thực sự lúc đó cũng đứng giữa 2 lựa chọn, một bên là công việc ổn định để định cư ở châu Âu, một bên là tình yêu với Nepal, tôi đã rất khó để đưa ra quyết định. Nhưng tôi nhớ tới lời ba dặn: Con cứ làm cái gì mà mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tôi đã đặt câu hỏi đó cho mình và quyết định không ở lại châu Âu mà sẽ sống ở Nepal”, cô gái Việt chia sẻ.

Không phải ai dám nghĩ dám làm như Yến, nhất là sau khi nỗ lực học tập thì ai lại chẳng muốn có công việc tốt. Tuy nhiên, cô đã đưa ra quyết định mang tính “giật gân” là chuyển đến Nepal sinh sống.

“Từ nhỏ ba mẹ đã quá quen với những quyết định có phần giật gân của con gái. Gia đình có 7 anh chị em thì ba mẹ luôn biết tôi là đứa khác người nhất trong nhà. Ngoài ra, bản thân tôi khá tự lập nên được ba mẹ tin tưởng từ nhỏ”.

Cô nàng may mắn vì được gia đình thấu hiểu, tin tưởng và ủng hộ trước những quyết định liều lĩnh, khác người. Nhiều bạn bè khi biết lựa chọn của Yến đã có chút tiếc nuối nhưng cuối cùng cũng ủng hộ cô.

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Cô gái Việt đã chuyển đến Nepal sinh sống như trái tim đã mách bảo. Hiểu rõ bản thân muốn gì, Yến làm công việc viết bài về du lịch Nepal cho các blog, hoặc có khi làm phiên dịch. “Từ lâu, tôi đã thích lối sống du mục – làm việc tự do, online, thời gian linh hoạt”, cô nàng chia sẻ.

Ngoài ra, Yến còn đầu tư vào mảng khách sạn, công ty chuyên cung cấp các chuyến trekking ở Nepal. Số tiền kiếm được giúp cô đủ trang trải và sống với những gì bản thân mong muốn. “Điều tôi thích nhất trong công việc của mình là nó hoàn toàn linh hoạt về mặt thời gian. Ngày nào cũng có thể là ngày nghỉ nên tôi có thể sắp xếp cho các chuyến đi khá dễ dàng. Đó là điều rất may mắn và tôi cảm thấy biết ơn”, Yến cho biết.

Đến nay đã 4 năm từ ngày Yến chuyển đến sinh sống ở Nepal như người bản địa. Trong suy nghĩ của nhiều người, có thể quyết định của cô là khó hiểu vì sẽ không thể làm ra nhiều tiền cũng như “phí” công sức học hành bao lâu nay. Tuy nhiên, bản thân Yến lại hài lòng phần nào với quyết định của mình.

“Những gì tôi đang có ngày hôm nay rất gần với lối sống mà tôi mong muốn. Tôi chưa đạt đến mức hoàn toàn tự do về mặt tài chính nhưng thấy mình đang đi đúng hướng và cảm thấy rất hài lòng”.

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Thay vì cố gắng làm việc quần quật, cô đã chọn cách vừa tận hưởng cuộc sống vừa làm việc. Mọi thứ ở mức vừa đủ, không quá dư dả mà cũng không để rơi vào thiếu thốn. “Tôi thấy mình hạnh phúc hơn và trở thành người đơn giản hơn rất nhiều. Tôi không cần có quá nhiều vật chất mà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Khi mình hạnh phúc thì những ý tưởng, vận may và cơ duyên sẽ đến”, cô nàng 33 tuổi bộc bạch.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Yến mong muốn sẽ cùng 2 người bạn tiếp tục hoàn thành các cung trekking của dãy Himalaya hùng vĩ. Ngoài ra, cô còn hy vọng sẽ đưa 2 cún cưng về Việt Nam bằng ô tô.

“Mỗi chuyến đi về, tôi như trở thành một con người mới, được tiếp thêm năng lượng và tình yêu với Nepal. Cho đến giờ, cuộc sống của tôi ở mảnh đất này vẫn đang theo chiều hướng vui và rất vui”, cô gái quê Quảng Trị tâm sự.

hình ảnh

Bạn chỉ sống duy nhất một lần trong đời. Câu nói tưởng như đã nghe đến quen tai nhưng không phải ai cũng có thể làm được, nhất là giữa guồng quay của cơm áo gạo tiền dễ khiến nhiều người quên mất sống để vui.

Câu chuyện của Yến thật đẹp và hy vọng sẽ lan tỏa cảm hứng tích cực để nhiều bạn trẻ nhận ra đâu là điều khiến bản thân yêu thích, sẵn sàng sống vì nó. Tuy vậy, không có nghĩa là không biết kiếm ra tiền và sống với túi rỗng. Cô gái 33 tuổi vẫn có thu nhập, chỉ là đủ sống, đủ giúp cô có thể tiếp tục đời du mục nay đây mai đó. Được làm việc kiếm tiền lại được sống với sở thích, đam mê quả là điều rất tuyệt, phải không?

Nguồn: webtretho