Thương cho tình cảnh của con dâu, mẹ chồng ở Hà Tĩnh quyết định đón bà thông gia già yếu về nhà chăm sóc. 

Có lẽ nhiều điều khiến nhiều chị em ao ước là gặp mẹ chồng tâm lý, hiểu chuyện và biết thương yêu con dâu. Như người mẹ chồng trong câu chuyện bên dưới, không chỉ thương yêu con dâu như ruột thịt mà bà còn quý mến thông gia đến mức đón về nhà chăm sóc.

Đó là câu chuyện cảm động về bà Lê Thị Minh Đóa (SN 1948, tổ dân phố 6, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), người đã đón thông gia về sống chung suốt 4 năm nay để tiện bề chăm sóc. Có hai người con (1 trai, 1 gái), bà Đóa trở thành góa phụ đã 5 năm nay nhưng cuộc sống đỡ cô quạnh khi sống cùng vợ chồng con trai.

Còn bà Lê Thị Sen (75 tuổi, trú tại xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) vốn là thông gia của bà Đóa và cũng là một góa phụ. Ngặt nỗi, bà chỉ có duy nhất cô con gái là chị Nguyễn Thị Hà và lấy chồng, làm dâu xa nhà mấy năm nay. Lúc trước, còn khỏe mạnh nên bà Sen sống nhờ vào hàng xóm rồi thỉnh thoảng chị Hà đưa chồng con ghé thăm nhà. Tuy nhiên đến năm 2017 do sức khỏe suy yếu vì tai biến, bà Sen đi lại khó khăn, tay cũng không thể cử động linh hoạt như xưa.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Nhà neo người, chị Hà phải chạy đi chạy về giữa nhà mẹ chồng và mẹ đẻ để chăm sóc tròn chữ hiếu. Hò hàng cũng thương sang giúp nhưng làm sao có thể ở cạnh 24/24 để chăm sóc bà Sen.

Thấy con dâu vất vả cũng như thương hoàn cảnh bà thông gia, bà Đóa quyết định đón bà Sen sang nhà ở cùng để tiện chăm sóc. Khi đề nghị này, các con bà Đóa vô cùng ngạc nhiên, nhất là con dâu. Tuy nhiên, bà vẫn kiên quyết làm bằng được nên các con đành nghe theo. Đối với bà Đóa, đây cũng là một bài học để dạy cho con cháu về chữ hiếu cũng như san sẻ tình thương.

“Con dâu tôi bán hàng rau ở chợ, con trai làm công nhân, công việc đều vất vả và chiếm nhiều thời gian nên tôi đỡ đần được các con việc gì hay việc nấy. Tôi rất vui và hạnh phúc khi cả nhà được sống bên nhau như thế này. Có bà thông gia tôi có thêm người bầu bạn tuổi xế chiều”, bà Đóa chia sẻ.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Đã 4 năm từ ngày đón bà thông gia về sống cùng một nhà, bà Đóa phụ các con lo cơm nước và cho bà Sen ăn uống. Nhờ được chăm sóc tận tình cũng như quây quần con cháu nên tinh thần bà Sen cũng thoải mái hơn nhiều. Những lúc bà Sen vào viện tái khám, bà Đóa cũng tình nguyện đi cùng chăm sóc. Nghe qua vừa thương vừa nể phục vô cùng, phải nói hành động cũng như tấm lòng của bà Đóa quá đặc biệt.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Hàng xóm nhìn vào cũng dần dần cảm phục trước nghĩa cử của bà Đóa. Ban đầu ai cũng lo ngại bà tự rước khổ cực vào mình, tuy nhiên đâu thể ích kỷ bắt giữ con gái người ta trong khi bố mẹ cô khổ cực sinh ra, nuôi nấng đến khi trưởng thành. Thực tế, có nhiều mẹ chồng rất hẹp hòi, cứ nghĩ rước dâu về là cấm hoặc làm khó làm dễ mỗi khi dâu về nhà bố mẹ đẻ.

Suy nghĩ và hành động của bà Đóa ít nhiều cũng tác động đến xung quanh. Một hàng xóm cho rằng đây là chuyện xưa nay hiếm. Người này còn kể trước đây bà Đóa tuy khó khăn nhưng bà vẫn sẵn sàng cưu mang một người cháu mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng tới khi lấy chồng. Ở địa phương, bà cũng tích cực tham gia các hoạt động của đoàn thể. Lối sống của bà đã truyền cảm hứng tích cực cho con cháu noi theo.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Cảm động trước tấm lòng của mẹ chồng, chị Hà bày tỏ: “Tôi thật may mắn khi được làm con dâu của mẹ. Mẹ không chỉ thương yêu tôi mà còn thương yêu cả mẹ tôi nữa. Tôi sẽ cố gắng sống tốt, nuôi dạy con cái thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của 2 mẹ”.

Nguồn: webtretho